Phân tích quyết định của Tối Cao Pháp Viện trong Scialabba v. Cuellar de OsorionguyenlegalgroupNhư đã đề cập trong thông báo gần đây, tôi rất ngạc nhiên và tiếc bởi quyết định của Tối Cao Pháp Viện trong Scialabba v. Cuellar de Osorio, 2014 WL 2560467 (ngày 9 tháng 6 năm 2014). Trong quyết định 5-4, Tối Cao Pháp Viện đã đi ngược lại với quyết định của Tòa Kháng Án Khu Vực Số 9 trong Cuellar de Osorio v. Mayorkas và đồng ý với Ban Kháng Án Di Trú (BIA) trong Matter of Wang, 25 I. & N. Dec. 28 (BIA 2009) rằng việc lưu lại ngày ưu tiên theo Đạo Luật Bảo Vệ Trẻ Em (CSPA) không áp dụng cho tất cả người bảo lãnh phát sinh. Để hiểu hơn về quyết định này và ảnh hưởng của nó, chúng ta cùng xem lại các sự kiện đã xảy ra.Hiện tại, có khoảng 480,000 visa mỗi năm tài chính dành cho các diện bảo lãnh gia đình. Trong 480,000 visa, 226,000 visa dành cho các diện ưu tiên, được chia thành 4 diện, và mỗi diện được cho phép một số lượng visa nhất định.
Các diện đó như sau:.png)
Bởi vì nhu cầu xin visa cao hơn số lượng cho phép 226,000 visa một năm, nên xảy ra tình trạng chờ đợi và tồn đọng visa. Thời gian chờ đợi để được cấp visa tùy theo quốc gia nơi sinh của người ngoại quốc vì mỗi quốc gia có giới hạn là 7% của tổng số lượng visa cho phép. Ví dụ, nếu một người có hồ sơ bảo lãnh anh chị em diện F4, và người được bảo lãnh sinh ở Vietnam, thời gian chờ đợi ít nhất là 13 năm. Nếu người đó sinh ở Mexico, thời gian chờ đợi ít nhất sẽ là 19 năm, hoặc 25 năm nếu sinh ở Philippines. Cả Mexico và Philippines đều đã vượt quá giới hạn 7%.
Mỗi tháng, Trung Tâm Visa (NVC) đưa ra visa bulletin cho biết ngày ưu tiên hay là ngày giải quyết visa cho từng diện. Vấn đề nảy sinh khi người ngoại quốc có con đã xếp hàng đợi visa theo một diện nào đó, và người con có thể bị “quá tuổi” để có thể được quyền theo cha mẹ. Ban đầu, người con được quyền theo cha mẹ phải còn độc thân và dưới 21 tuổi. Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2002, Tổng Thống George W. Bush đã ký Đạo Luật Bảo Vệ Trẻ Em (CSPA), CSPA đưa ra sự bảo vệ cho người con đã “quá tuổi”, CSPA cũng định nghĩa lại yêu cầu dưới 21 tuổi của người con. Hiện tại, người con dưới tuổi được định nghĩa là độc thân và dưới 21 tuổi tính theo tuổi CSPA, không phải tuổi thực. Tuổi CSPA được tính toán khác. Ví dụ, nếu Công Dân Hoa Kỳ bảo lãnh cho con độc thân dưới 21 tuổi, tuổi của người con tự động được khóa lại tại thời điểm hồ sơ bảo lãnh, mặc dù người con có thể trên thực tế 23 tuổi khi được định cư Hoa Kỳ. Đối với các diện ưu tiên, tính toán tuổi CSPA là sự cộng thêm thời gian USCIS chấp thuận hồ sơ I-130 và thời gian người con đợi Visa sau khi vượt quá 21 tuổi đời. Ví dụ, nếu USCIS mất 4 năm để chấp thuận hồ sơ, và người con trên thực tế 24 tuổi khi visa đến, thì tuổi CSPA của người con chỉ là 20.
Cũng có điều khoản giữ lại ngày ưu tiên trong CSPA. Điều khoản này cho rằng khi người con quá tuổi và không được bảo vệ theo luật CSPA, cha mẹ định cư và bảo lãnh lại người con, khi đó, người con được lấy lại ngày ưu tiên của hồ sơ cha mẹ trước đây. Lý do cho điều khoản lấy lại ngày ưu tiên là người con đã xếp hàng chung với cha mẹ để đợi visa, và khi người con không được theo diện CSPA, và cha mẹ sau đó bảo lãnh ngược lại cho con, người con đúng ra phải được trở lại vị trí xếp hàng cũ để xin visa. Nói cách khác, người con được lấy lại ngày ưu tiên của cha mẹ. Rất tiếc là, BIA trong Matter of Wang đưa ra quyết định rằng hồ sơ bảo lãnh sau của cha mẹ là một hồ sơ hoàn toàn mới và khác biệt. Do đó, thời gian chờ đợi cho visa bắt đầu lại từ đầu, và không có việc lấy lại ngày ưu tiên. Về mặt lý thuyết, người con trước đây đã từng chờ đợi visa với cha mẹ, giờ sẽ phải tiếp tục đợi trong thứ tự visa khác. Trên thực tế, nếu đây là hồ sơ bảo lãnh anh chị em từ Việt Nam, người con đã phải đợi ít nhất là 13 năm với cha mẹ để xin được visa, và sẽ phải đợi thêm 7-8 năm cho hồ sơ bảo lãnh của cha mẹ cho người con. Tổng cộng, thời gian chờ đợi ít nhất là 20 năm. Nếu quý vị nghĩ đây là nhiều, xin xem xét hồ sơ bảo lãnh cho Mexico. Hồ sơ bảo lãnh anh chị em ít nhất là 19 năm ở Mexico. Một khi cha mẹ định cư và người con vẫn còn độc thân, cha mẹ sẽ phải bảo lãnh theo diện F2B, và người con sẽ phải đợi ít nhất là 20 năm nữa. Tổng cộng, ít nhất là 40 năm chờ đợi nếu hồ sơ bảo lãnh từ Mexico. Hiện tại, đây là thất bại lớn trong hệ thống bảo lãnh gia đình của chúng ta. CSPA được thông qua nhằm ngăn chặn những vấn đề như thế này. Từ khi BIA đưa ra quyết định trong Matter of Wang, nhiều đơn kiện liên bang liên tục chống lại sự diễn giải của BIA. Đơn kiện thành công đầu tiên tại tòa án là Khalid v. Holder, 655 F.3d 363 (2011). Trong Khalid v. Holder, Tòa Kháng Án Khu Vực Số 5 cho rằng không có sự mơ hồ nào trong ngôn ngữ của điều khoản lấy lại ngày ưu tiên. Đọc điều luật theo ngôn ngữ đơn giản, CSPA có đưa ra điều luật lấy lại ngày ưu tiên cho người con. Sau quyết định của Khu Vực Số 5, Tòa Kháng Án Khu Vực Số 9 đưa ra quyết định tương tự trong Cuellar de Osorio v. Mayorkas, và chính phủ đã kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Tòa Kháng Án Khu Vực Số 5 là một khu vực rất bảo thủ, và Tòa Kháng Án Khu Vực Số 9 là khu vực theo chủ nghĩa tự do, và cả hai khu vực đã đồng ý với lấy lại ngày ưu tiên của CSPA. Khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ra quyết định trái ngược với tòa số 5 và số 9, đó thật là một bất ngờ hoàn toàn. Quyết định này không dựa trên đường lối bảo thủ hay tự do như là quyết định trong Affordable Health Care Act (Obamacare). Mà thay vào đó, đây là một quyết định khác thường bởi vì các vị chánh án theo trường phái tự do đã cho rằng Tòa Án nên tôn trọng sự diễn giải của BIA bởi vì BIA là một cơ quan với nhiều kiến thức và chuyên môn về luật di trú.